Dù biết đoạn đường của em đi sẽ đầy nắng vì không tìm được bóng râm nào tốt như anh có thể che chở, nhưng em không cho phép mình làm anh bị tổn thương thêm lần nào nữa. Để viết lên những dòng này đối với người thích ăn to nói lớn như em thật không phải dễ, nhưng đã đến lúc em phải trải lòng để trái tim ấm áp của anh không còn thỉnh thoảng phải nhói đau, làm tim em thôi không day dứt. Chẳng biết từ lúc nào em đã quen cảm giác bên mình có bóng râm do anh che chở, quen đến nỗi em cứ nghĩ trời sinh ra anh có nghĩa vụ che chở cho em như là một định luật của tạo hóa. Em vẫn vô tư tận hưởng, vui vẻ như lòng mọi người vẫn nghĩ nhưng có thật em là người vô tâm?
Em - một người phụ nữ từ khi sinh ra đời cho đến ngày hôm nay chưa một ngày được sung sướng. Đôi khi xem phim truyền hình, em ngồi cười thầm trong lòng, cuộc đời thế so với mình có thấm gì đâu mà thành thơ thành truyện cho phí công sáng tác. Nhìn qua nhìn lại xung quanh em thấy những khoảng trời riêng của mỗi người chắc gì đã được sung sướng hơn em, thế là em lại tiếp tục sống cuộc đời cam chịu, càng giấu nỗi lòng mình, gai góc nhiều hơn. Kết quả em ngày càng ít bạn, chỉ những người bạn tâm giao hiểu được lòng em mới giữ được tình bạn lâu bền với em và em mặc kệ tất cả - trừ anh.
Có lẽ em chưa cảm nhận sâu sắc ảnh hưởng của anh nếu như em chưa để tuột mất. Suốt quãng thời gian dài em chưa bao giờ thầm hỏi ảnh hưởng của anh thế nào trong em, chỉ cần gặp anh mỗi ngày lòng đã vui lắm, em tủm tỉm cười miết trên đường đi làm về. Cho đến một ngày anh làm em giận, em mới giật mình hỏi lại lòng mình anh là gì trong tim em mà khi giận anh em khổ sở đến vậy.
Hỏi mãi, nghĩ mãi cuối cùng sự thật giản dị cũng phải hiện ra, giản dị đến mức làm chủ nhân của nó phải khủng hoảng. Ai gặp em cũng nghĩ em là người phụ nữ hiện đại nhưng thật ra em cổ điển đến mức ấu trĩ anh à. Em không cho phép mình đã có chồng mà lòng lại quay quắt về một người khác, em quyết định chấm dứt một cuộc hôn nhân đau khổ để không thẹn với lòng, tìm sự giải thoát cho tâm hồn và định hướng đi mới cho cuộc đời mình.
Xin đừng nghĩ em đổ lỗi tại anh làm hôn nhân của em tan vỡ. Sự thật cuộc hôn nhân này của em bi kịch từ những ngày đầu, lẽ ra nó đã kết thúc từ rất lâu nhưng do em cố giữ, cố hết mức của em rồi nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó, bát nước đổ rồi dù em có cố cách nào cũng là bát nước đổ, thôi thì giải thoát cho cả hai để cuộc sống đỡ dằn vặt hơn. Em càng muốn thu mình vào ốc đảo của mình nhiều hơn nữa nhưng biết có một người luôn hiểu em.
Đôi khi em tự hỏi có phải phụ nữ mạnh mẽ hơn nam giới rất nhiều hay không mà em có thể giấu lòng mình hay đến vậy. Trên thế gian này chẳng ai đọc được tim em đâu, em cũng không muốn cho ai đọc được điều đó cả vì chính người giữ được tim em còn không biết thì những người khác có quan trọng gì đâu. Em càng dỗi càng sai, may mà sai trong chuẩn nhưng cũng làm em day dứt và ấm ức nữa.
Dù biết rằng đoạn đường của em đi sẽ đầy nắng vì không tìm được bóng râm nào tốt như anh có thể che chở, nhưng em không cho phép mình làm anh bị tổn thương thêm lần nào nữa. Em không thèm đợi anh tìm được can đảm, em đã nói hết lòng mình cho cả thế giới biết rồi đó. Người đáng ghét suốt đời em chính là anh.
Blog radio 2 - Chán đời và bế tắc! Một người bạn của tôi đang mang tâm trạng như thế. Bạn cảm thấy cuộc đời không còn ý nghĩa gì nữa cả. Bạn đang loay hoay ở một “ngã ba đường” của tâm trạng, của tình cảm, của việc chọn lựa cách sống và cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề về chính bản thân mình.
Có thể bạn đang lâm vào cảnh tình khốn khổ của một điều chẳng ai muốn, của cái gọi là “chuyện ba người”. Hay có thể gọi đó chỉ là “chuyện hai người” bởi bạn đang yêu, đang ôm ấp một tình yêu đơn phương có ..\phần... mù quáng! (Nhưng khi yêu có mấy ai thấy mình mù quáng đâu kia chứ! Tôi cũng từng mù quáng còn hơn bạn tôi nữa là...)
Nhưng với tôi, sự thể hiện nay chỉ là “chuyện một người”. Câu chuyện của bạn, của chính bản thân bạn, không ai khác, bạn phải tự mình đối mặt, nhận ra vấn đề và vượt qua tình trạng như hiện nay! Tôi sẽ không đi sâu nói về câu chuyện của bạn, về tình trạng hiện bạn đang gặp phải. Tôi không có quyền đó, cái quyền xâm phạm và công khai đời tư của người khác, vẫn đang bị người ta xoi mói từ đời thật đến đời ảo.
Tôi nói về bạn, cũng là tôi nói về chính tôi! Bởi những gì bạn đang trải qua thì tôi, một người bạn cùng trang lứa, cùng học vấn như bạn, có cái “diễm phúc và may mắn” được trải nghiệm qua... trong đau đớn và nước mắt! Bạn cứ khóc đi. Như tôi đã từng khóc. Phải biết khóc để còn nhận ra mình chưa chai lì cảm xúc, mình còn rất nhiều điểm yếu đuối giấu đằng sau cái vẻ ngang tàng, mạnh mẽ, trưởng thành, rắn rỏi, cứng cáp của mình. Nhận ra điều này để biết mình còn phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để thật mạnh mẽ đương đầu với những khó khăn, thách thức trên đường đời mai này.
Tôi đã từng rơi vào trạng thái chán nản đến vô cùng. Và ngỡ rằng mình đã hoàn toàn bế tắc, bế tắc thật sự với cuộc đời mình, không lối thoát, không hướng đi... Đó là lúc tôi cảm thấy cái ý nghĩa Sống không còn mang nhiều giá trị với mình và chỉ có sự giải thoát một cách tiêu cực họa chăng là giải quyết được tất cả! Đó là khi tôi không nghĩ đến bất cứ điều gì nữa, những điều mà khi "tỉnh" ra thì thấy đó vẫn là những điều đẹp nhất, quý nhất mà Cuộc đời ban tặng cho mình: Gia đình, cha mẹ, những tình cảm thân thương của bao người, bè bạn, nghề nghiệp, những thú vui, những kiến thức và khám phá về thế giới muôn màu, những vùng đất xinh đẹp, quê hương... hay những điều rất nhỏ bé như một buổi sáng bình yên bên tách cà phê, một bản tình ca ngọt ngào, một bộ phim hay, hoặc một con khô sặc nướng và chung rượu đắng môi, rồi xuống một câu vọng cổ trong chiều mưa... tất cả, tất cả đều là những điều tuyệt diệu là Cuộc sống đem lại cho tôi, cho bạn, cho mọi người. Và hơn hết, điều đẹp nhất mà Cuộc đời ban tặng cho mình, đó là chính mình. Với tôi là thế!
Khi tôi ở trong tình trạng “ngõ cụt cuộc đời” ấy, cũng là lúc tự mình đối mặt với chính mình để chiêm nghiệm lại rằng: Liệu với mình, cuộc đời đã là ngõ cụt? Phải chăng ta không còn lối đi nào khác? Bế tắc thật sự chăng? Sẽ ra sao nếu mình thoát khỏi sự bế tắc này, trong sự ích kỷ vui sướng của riêng mình là nỗi đau của người ở lại? Còn đó giấc ngủ chập chờn của Má vì tôi thường về muộn mỗi tối, để chỉ với một câu nói “Có canh trong tủ đó S, hâm nóng lại đi rồi ăn” cũng đủ thấy ấm lòng. Còn đó những ngày ốm nặng, bạn bè vào thăm, ở lại canh chừng vì sợ nửa đêm tôi trở mệt hơn. Còn đó những chiều ngồi lai rai với bạn bè, đồng nghiệp, bàn chuyện đông chuyện tây, chuyện gia đình đứa này, công việc đứa kia... hỏi han nhau dăm ba câu, há chẳng phải quý? Và còn đó những ước mơ chưa thành, phải “đi đó đi đây”, lên đỉnh Hoàng Liên Sơn cho xứng với cái tên, thăm “Vạn Lý Trường Thành” để được phong tặng cái danh “hảo hán” với đời, sang Tây Ban Nha để còn ghé sân Bernabeu xem anh bạn Raul Gonzalez và Real đá đấm thế nào nữa chứ!...
Còn quá nhiều điều để tôi phải làm trên cuộc đời này. Còn quá nhiều điều cực kỳ có ý nghĩa để, mà không phải, buộc tôi phải tiếp tục đi, và tìm một lối đi cho mình hướng tới tương lai. Tôi đã tìm ra được lối đi ấy. Nó không phải sự khám phá to tát nào cả. Lối đi ấy vẫn là lối đi của ngày hôm qua, ngày hôm nay tôi đã đi. Lối đi ấy chỉ khuất lấp sau những nỗi buồn và sự tuyệt vọng của tôi như đám sương khói mù mịt vây quanh mình khiến chẳng nhận ra gì cả.
Tìm ra lối đi từ trong tâm trạng ngỡ như là bế tắc của mình, vậy nên, tôi cũng mong bạn sẽ tìm ra được lối đi tiếp tục cho bạn trên đường đời còn dài, dài lắm. Hãy cho mình một vài phút lắng đọng trong lòng, chỉ vài phút thôi, tin rằng bạn sẽ thấy con đường bạn đang đi không hề là ngõ cụt.
Đường đời không bao giờ là một ngõ cụt. Trên con đường ấy có vô vàn những ngả rẽ, những vòng quanh, hay một chút quanh co, ngoằn nghèo, có khó khăn đấy, những không phải không thể vượt qua. Và con đường ấy chỉ khép lại, là một ngõ cụt không lối thoát nếu như chính bạn mặc nhiên nghĩ rằng: Ta đã không còn lối thoát!
Tin tôi đi bạn, phía trước, luôn có một con đường!
1. Tôi phóngxe giữa đại lộ. Hàng cây ven đường tải xuống ngọn gió mơn man sau gáy nghe lànhlạnh. Tôi rồ ga, ngọn gió vội vã đuổi theo. Và hai chúng tôi cùng chơi trò rượtđuổi trên con đường rộng thênh thang.
Thu xuất hiệnđằng sau cánh cổng. Nhìn thấy cái đầu bù xù dựng đứng lên vì gió của tôi, emnhăn mặt:
- Anh lại đuatốc độ rồi phải không?
Tôi nháy mắt,thì thào:
- Có một ngọngió heo may đuổi theo anh bé ạ!
Em chỉ taylên vòm cây xanh trong vườn:
- Đêm quacũng có một cơn gió làm rụng bao nhiêu là lá vàng. Mùa thu đã về rồi đấy, anhthấy không?
Tôi lắc lắcthân cây gần nhất. Một trận mưa lá rơi lả tả xuống hai chúng tôi. Em nhăn mặt,phụng phịu:
- Anh này ácghê! Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng, không nhớ sao?
Tôi đưa tay gỡmột chiếc lá vương lơ lửng trên tóc em:
- Lại thơOlga Berggholz hả cô bé? Tại cái giống cây này đấy chứ, sao mà rụng lá đến khiếp!
Và tôi quayđi, biết là sau lưng em lại vừa tặng tôi một cái nhăn mặt!
Em và tôi đãcùng nhau đi qua cả một thời niên thiếu. Em mỏng manh và yếu đuối từ khi cònbé. Còn tôi, một thằng con trai tai quái suốt ngày chọc ghẹo em, lắm khi khiếnem phải phát khóc. Vậy mà em chẳng khi nào giận tôi lâu. Có lần, tôi làm em ngãđập đầu xuống đất. Máu rướm thành dòng trên trán em, vậy mà em vẫn níu lấy taytôi (lúc đó mặt mũi tái mét!) thỏ thẻ:
- Em không giậnanh đâu! Em không giận anh đâu!
- Anh nhìn gìthế?
- Vết sẹotrên trán em. Xấu… dễ sợ!
Tôi vờ chunchun mũi. Em xịu mặt:
- Ừ, em làmsao mà xinh bằng chị Quỳnh, chị Vy, chị My của anh được!
Nhìn cánh mũiem phập phồng, biết là em sắp khóc, tôi vội đến bên:
- Em đang vẽcái gì thế, bé?
- Con đườngmùa thu, anh ạ!
Bức tranh củaem thẫm một sắc vàng trầm buồn. Con đường trong đó hiện ra mênh mang, nhữngnhánh cây như những ngón tay gầy guộc đâm thẳng lên nền trời hoàng hôn vàng úa.Tôi bỗng thấy mình lại như đang phóng xe chạy đua với ngọn gió trên đại lộ banchiều.
- Cái gì thếnày, bé? - Tôi trỏ ngón tay vào những chấm màu nâu sẫm trên thân cây.
- Những vết sẹocủa cây…
- Giống như sẹotrên trán em ấy hả?
- Không… - Giọngem bỗng chùng hẳn xuống. Em đưa ngón tay mân mê vết sẹo trên trán, mắt xa xăm -Vết sẹo này có là gì đâu hở anh, có những vết sẹo khác, vô hình nhưng mà làmmình đau hơn nhiều.
Tôi cúi xuống,nhìn thật lâu vào đôi mắt em:
- Em biết suytư từ bao giờ thế?
Em cuối mặt:
- Từ lúc anhvô tình…
Những ngóntay mỏng manh, gầy xanh như một cọng cỏ non của em run rẩy trên đầu gối. Tôi chợthiểu ra điều em muốn nói, và thấy bối rối như thể lòng mình là một đống rơm màai đó vừa bới tung lên:
Biết nói gì vớiem bây giờ?
Ngoài sân, trờikhông gió mà cây bỗng trút lá.
2. - Rồi sauđó anh nói gì với Thu? - Phong, cậu thanh niên có đôi mắt to tròn như con gáinhìn thẳng vào tôi, ánh mắt quả quyết và sáng lấp lánh.
- Chẳng gì cả.Tôi chỉ bảo là tôi có hẹn với Quỳnh, và tôi phải đi…
- Anh phải biếtlà cô ấy yêu anh chứ! - Phong hét lên, khoé miệng mím lại thành một vệt nganggiận dữ.
Tôi biết chứ.Dù tôi không còn nhớ rõ là mình bắt đầu cảm nhận được tình cảm của em từ khinào. Có lẽ là từ những chiều chủ nhật, tôi đến và em ùa ra từ sau cánh cổng, hồnnhiên như cỏ non: “Em đợi anh suốt cả ngày dài”. Cũng có thể bắt đầu từ cáingày mẹ em theo dượng em sang Nhật, em ôm lấy tôi và khóc nức nở không thôitrên phi trường: “Giờ em chỉ còn có mỗi mình anh nữa thôi…”. Nhưng có lẽ hôm ấylà lần đầu tiên, em thể hiện rõ tình cảm em dành cho tôi như thế.
“Và anh đãquay đi?”
Bởi vì thằngcon trai ích kỷ và tự mãn trong tôi biết rằng, em sẽ luôn ở bên tôi, dù tôi cóhay không câu trả lời cho em. Dù tôi có đi với Quỳnh, với Vy, với My hay bất cứai đi nữa, dưới vòm cây xanh mát trong vườn,em vẫn lặng lẽ chờ đợi tôi với câycọ vẽ và những ngón tay xanh mềm. Và có lẽ bởi vì tôi chưa sẵn sàng cầm nhữngngón tay mong manh ấy để dắt em vào thế giới của tôi, cái thế giới ồn ào, sôi độngvà lắm khi trần trụi hơn rất nhiều so với thế giới của em.
Nhưng tôikhông ngờ, đến một ngày nọ, em đã xa tôi mãi mãi…
*****
Một bữa chởQuỳnh ra ngoại ô hóng gió, ngang qua nhà em, tôi thao thao kể về ngôi nhà vớikhu vườn rợp bóng cây và cô em gái nhỏ mê vẽ. Quỳnh nằng nặc đòi tôi chở vàochơi. Nghe tiếng tôi, em ùa ra như mọi khi. Nhưng rồi những ánh sáng trong đôimắt trong veo của em bỗng nhiên vụt tắt khi em nhìn thấy Quỳnh. Em vẫn dịu dàngtrả lời những câu hỏi líu ríu của Quỳnh, nhưng bàn tay cầm cọ thì run rẩy, đườngcọ loay hoay hoài trên một mảng màu đã khô nhạt từ lâu.
“Anh ơi, haychưa này?”. Quỳnh lắc lắc thân cây ở góc vườn. Một trận mưa lá ào xuống. Quỳnhthích thú, cười như nắc nẻ. Nhìn vẻ mặt hớn hở hồn nhiên của Quỳnh, tôi cũng bậtcười theo. Sau lưng tôi, đôi vai em dường như đang run rẩy
Từ hôm ấy, emkhông còn chờ tôi dưới vòm cây trong vườn nữa. Chiều chủ nhật sau tôi đến, bàgiúp việc bảo em đến Nhà văn hoá. Tôi chạy xe đến Nhà văn hoá, hình dung khuônmặt rạng rỡ của em khi nhìn thấy tôi như mọi khi. Nhưng lần này, em không chỉcó một mình…
Bên em là mộtcậu con trai có đôi mắt to tròn và mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ. Em đi ngang quatôi, lạnh lùng như không nhìn thấy. Lần đầu tiên, tôi có cảm giác hụt hẫng nhưcắn vào một que kẹo bông xốp mềm. Tôi còn gặp em thêm vài lần nữa, trước cổngtrường, ở Viện Mỹ thuật, hoặc khi tôi chạy xe ngang qua và thấy loáng thoángbóng em trong vườn. Và em, vẫn bên cạnh cậu con trai ấy, vẫn yếu ớt mong manhnhư thế, nhưng điệu đàng hơn với chiếc mũ len trên đầu. Tôi lao vào những cuộcvui với Quỳnh, với Vy. Để rồi khi mệt rã rời, tôi chỉ muốn chạy đến bên em, đểđược ngắm những ngón tay cỏ non của em dưới vòm cây đầy gió ấy. Nhưng, tôi đãkhông đến, dù đôi lúc nhớ em đến tê người…
3. “Mãi cho đếnkhi tôi gọi cho anh?”. Tôi khe khẽ gật đầu. Phong vùi mái tóc rối của mình vàohai bàn tay. Rồi cậu ngẩng lên, đôi mắt mờ một làn sương mỏng:
- Anh biếtkhông. Những ngày trên giường bệnh, cô ấy vẫn không thôi nhớ đến anh…
Hôm ấy là mộtbuổi chiều xám xịt. Tôi phóng xe như điên khi nhận được điện thoại của Phong.Em đang ngủ vùi mê mệt trên giường bệnh khi tôi đến. Tôi nắm những ngón tay gầyguộc của em, xót xa…
Em mở mắtnhìn tôi, đôi môi tái nhợt, khô nẻ hé ra một nụ cười yếu ớt. Tôi áp đôi bàn taybé bỏng của em lên má, thì thầm gọi tên em mãi không thôi…
Đó cũng là lầncuối cùng em mỉm cười với tôi. Em đã bỏ tôi đi vào một buổi chiều gió heo mayxơ xác khắp thành phố. Phong trao cho tôi một cuốn sổ bìa xanh: “Thu nhờ tôi gửicho anh…”. Tôi lật cuốn sổ, ngay trang đầu tiên là nét chữ nhỏ nhắn quen thuộccủa em với hai câu thơ của Olga Berggholz:
“Tránh đừng đụngvào cây - mùa lá rụng
Nhắc suốt đườngcũng chỉ bấy nhiêu thôi…”
4. Tôi phóngxe giữa đại lộ. Ngọn gió quen thuộc lại sà xuống, rủ rê tôi chơi trò đuổi bắt.Tôi dừng xe bên đường, ngước nhìn vòm cây xanh lấp lánh những ánh nắng như mắtem đang nhìn tôi tinh nghịch. Tôi thì thầm: “Có em trên đó không Thu?”.
Một chiếc lávàng trên vòm cây đậu xuống vai tôi. Tôi nhặt chiếc lá cho vào túi áo. Dườngnhư chiếc lá đang thủ thỉ điều gì đó với trái tim tôi.
Em chỉ trốntôi đâu đó trong mùa thu thôi, phải không cô bé?
BlogRadio thực hiện theo Blog RYK Vài nét vềblogger RYK: “Định nghĩa về Ryk, gồm 2L : lì và liều. Một kẻ luôn yêu cái đẹp,và luôn sẵn sàng yêu đến cháy bỏng một tâm hồn đẹp!”
1. Một người đi tìm việc làm, đi trên hành lang thuận tay nhặt mấy tờ giấy rác dưới đất và bỏ vào thùng. Vị phụ trách tuyển người vô tình nhìn thấy, thế là anh được nhận vào làm việc.
Hóa ra để được tưởng thưởng thật là đơn giản, chỉ cần tập tành thói quen tốt là được.
2. Có một cậu bé tập việc trong tiệm sửa xe, một người khách đem đến chiếc xe đạp hư, cậu bé không những sửa xe, lại lau chùi xe đẹp như mới, bạn bè cười nhạo cậu đã làm một việc thừa. Hai ngày sau, khách đến lấy xe đạp, liền đón cậu về làm việc trong hãng của ông ta.
Hóa ra để thành công cũng đơn giản. Hãy chứng tỏ mình thích làm nhiều hơn điều phải làm.
3. Một đứa bé nói với mẹ: “Mẹ, hôm nay mẹ rất đẹp.” Bà mẹ hỏi: “Tại sao?” Bé trả lời: “Bởi vì hôm nay mẹ không nổi giận.”
Hóa ra sắc đẹp trong mắt người khác cũng đơn giản, chỉ cần không nổi giận là được.
4. Có ông chủ bắt con trai làm việc vất vả ngoài đồng. Bạn bè nói với ông ta: “Ông không cần phải bắt con trai khó nhọc như thế, giống cây này tự nhiên cũng phát triển.” Ông chủ nói: “Tôi dạy dỗ con cái chứ đâu phải tôi chăm cây công nghiệp.”
Hóa ra răn dạy con cái rất đơn giản, để chúng nó chịu khổ chút xíu là có thể được.
5. Một huấn luyện viên quần vợt nói với học sinh:“Làm thế nào tìm được quả bóng rơi vào đám cỏ? Một người nói: “Bắt đầu tìm từ trung tâm đám cỏ.” Người khác nói: “Bắt đầu tìm từ nơi chỗ trũng nhất.” Kẻ khác lại nói: “Bắt đầu tìm từ điểm cao nhất.” Đáp án huấn luyện viên đưa ra là: “Làm từng bước, từ đám cỏ đầu này đến đầu kia.”
Hóa ra phương pháp để tìm thành công thật đơn giản, từ số 1 đến số 10 không nhảy vọt là có thể được.
6. Có một cửa hàng đèn thường sáng trưng, có người hỏi: “Tiệm của anh dùng loại đèn nào vậy, dùng rất bền.” Chủ cửa hàng nói: “Đèn bị hư hoài đấy chứ, nhưng tôi thay ngay khi nó bị hư thôi.”
Hóa ra để duy trì ánh sáng thật đơn giản, chỉ cần dám thay đổi thôi.
7. Con nhái ở bên ruộng nói với con nhái ở bên vệ đường: “Anh ở đây quá nguy hiểm, dọn qua chỗ tôi mà ở.” Con nhái ở bên đường trả lời: “Tôi quen rồi, dọn nhà làm chi cho vất vả.” Mấy ngày sau nhái ở bên ruộng đi thăm nhái bên đường, nó đã bị xe cán chết, xác nằm bẹp dí.
Hóa ra phương pháp an toàn thật đơn giản, tránh xa lười biếng thì có thể được.
8. Có một con gà nhỏ khi phá vỏ trứng để chui ra, Thấy con rùa đi ngang gánh chiếc mu nặng nề. Con gà nhỏ quyết định rời bỏ cái vỏ trứng.
Hóa ra muốn thoát ly gánh nặng thật đơn giản, dẹp bỏ cố chấp thành kiến là có thể được.
9. Có mấy em bé rất muốn làm thiên thần, Thượng Đế cho chúng mỗi đứa một chân đèn, và dặn lau chùi chúng cho thật bóng sáng, Một hai ngày trôi qua Thượng Đế không đến, tất cả các bé đều bỏ cuộc. Chỉ có một em bé vẫn lau chùi chân đèn sáng bóng dù cho Thượng Đế không đến, dù mọi người chê nó dại, kết quả chỉ có em được trở thành thiên thần.
Hóa ra làm thiên thần thật đơn giản, chỉ cần đem tấm lòng thật thà ra làm là được.
10. Một thanh niên đến xin làm môn đệ một vị thần. Bỗng có con trâu nghé chui lên từ vũng lầy, toàn thân lấm đầy bùn dơ bẩn Vị thần nói: “Con tắm rửa cho nó dùm ta.” Cậu kinh ngạc: “Con đi học chứ đâu đi chăn trâu ?” Vị thần nói: “Con không chăm chỉ vâng lời, thì làm môn đệ của ta thế nào được.”
Hóa ra biến thành thần thật đơn giản, chỉ cần đem lòng thành thật ra thì có thể được.”
11. Có một đoàn người đãi vàng đi trong sa mạc, ai nấy bước đi nặng nhọc, chỉ có một người bước đi cách vui vẻ, người khác hỏi: “Làm sao anh có thể vui vẻ được chứ ?” Người ấy trả lời: “Bởi vì tôi mang đồ rất ít.” Hóa ra vui vẻ thật đơn giản, thiếu chút ít thì có thể được.
12. Màu sắc của cuộc sống ở đâu? Buổi sáng thức dậy, màu sắc ánh sáng trên mặt, đón tiếp tương lai bằng vẻ mặt tươi cười rạng rỡ. Đến buổi trưa, màu sắc ánh sáng trên eo lưng, thẳng lưng để sống hiện tại. Đến buổi tối, ánh sáng màu sắc trên chân, chân đạp đất làm tốt chính mình.
Hóa ra cuộc sống cũng rất đơn giản, chỉ cần có thể hiểu được “trân quý, biết đủ, cám ơn”, thì anh có đầy đủ màu sắc của cuộc sống.
Bà là một góa phụ lớn tuổi, chồng bà đã qua đời sau một tai nạn xe hơi. Kể từ đó, bà sống khép kín, không khóc than, không tâm sự với bất kỳ ai về cái chết của chồng. Hầu như ngày nào, bà cũng ngồi nhìn ra cửa sổ một cách vô định, không nấu ăn, không chăm sóc khu vườn và cả bản thân mình nữa.
Con gái bà đã tìm mọi cách giúp mẹ vượt qua tình trạng bế tắc này nhưng thật vô vọng. Nhiều bác sĩ đã chẩn đoán và điều trị chứng trầm cảm của bà nhưng vẫn hoài công, và đến một ngày người con gái dẫn bà tới gặp một bác sĩ tâm lý.
Lúc đầu, bà và người bác sĩ chỉ ngồi quan sát nhau mà không trò chuyện. Trông bà khá trẻ so với cái tuổi 70, nhưng dường như trong bà không còn chút sức sống. Người bác sĩ bắt đầu gợi chuyện, hỏi tại sao bà lại đến đây.
- Chồng tôi đã mất – Im lặng một lúc, bà nói tiếp – Các con tôi muốn tôi được khuây khỏa sau cái chết của cha chúng. Nhưng không ai có thể hiểu được cả.
- Tôi hiểu bà như mất đi một nửa cuộc sống của mình. Chỉ có chồng bà mới hiểu được nỗi mất mát ấy. Và cũng chỉ ông ấy mới biết được cuộc sống của hai người trước đây đã hạnh phúc đến nhường nào – Người bác sĩ nói.
Bà quay lại nhìn bác sĩ, đôi mắt màu nâu đen của bà không có một tia sáng nào cả.
- Nếu như lúc này ông ấy đang có mặt tại đây, bà sẽ nói gì?
Bà nhìn người bác sĩ một lúc lâu rồi từ từ nhắm mắt lại. Bà bắt đầu nói – như thể đang nói với người chồng thân yêu của mình – về cuộc sống của bà khi không có ông. Bà kể cho ông nghe cảm giác của bà khi phải tự mình làm mọi việc mà trước đây hai người cùng làm. Bà cảm thấy thật sự khó khăn khi chấp nhận rằng ông thực sự không còn nữa. Bà thấy rằng còn nhiều điều bà chưa kịp làm và chia sẻ cùng ông… Và bà đã khóc được, bà khóc rất nhiều như chưa bao giờ được khóc.
Đợi bà qua cơn xúc động, bác sĩ hỏi liệu có còn điều gì mà bà chưa nói với ông không. Bà bảo rằng bà rất giận ông vì ông đã để bà phải sống một mình khi về già, rằng ông đã không thực hiện lời hứa với bà.
- Ông ấy đã dạy cho tôi biết thế nào là tình yêu cuộc sống… – Bà tiếp tục kể. Vị bác sĩ vô cùng xúc động và ngạc nhiên khi nghe câu chuyện tình lãng mạn của hai người. - Giả sử ông ấy đang ngồi đây, trước mặt bà, là tôi đây. Ông ấy sẽ hỏi bà điều gì về cuộc sống của bà trong suốt hai năm qua? – Người bác sĩ hỏi. - Anh ấy sẽ hỏi tôi: “Tại sao em lại nhớ anh bằng một nỗi đau đớn vô bờ và hành hạ bản thân mình như vậy? Điều mong muốn lớn nhất trong cuộc đời của anh là mang đến cho em niềm vui mà”.
Khi nói xong điều đó, một tia sáng hiếm thấy lấp lánh trong ánh mắt bà. Bà dường như được trở về với chính mình hai năm trước đó. Qua lần trò chuyện đó, bà dần hiểu rằng không phải cứ đau buồn đắm chìm trong ký ức và giam mình trong một cuộc sống khép kín mới là tưởng nhớ đến nhau. Khoảng một năm sau, bà gửi người bác sĩ một tập gồm các bài viết trích từ tờ báo địa phương về tổ chức từ thiện mà bà đang tham gia cùng lời đề tặng: “Từ trong tuyệt vọng, tôi đã quyết định nhổ neo, căng buồm và lướt sóng ra khơi”.
Đứng trước mỗi một nỗi đau, mất mát nào đó, chúng ta dường như phải lựa chọn cuộc sống một lần nữa. Chúng ta không bắt buộc phải quên đi mọi thứ, nhưng thời gian sẽ chữa lành tất cả, để ta nhớ về với niềm yêu thương chứ không phải bằng nỗi đau.
Có những thói quen mà chúng ta nghĩ sẽ không bao giờ từ bỏ được. Tỷ như thói quen “nghiện” “nơi đất ở”. Đâu có tự nhiên mà thi sĩ Chế Lan Viên viết rằng: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.”
Tôi ở trong một ngôi nhà, hẳn nhiên rồi. Nhà tôi nằm trong phố, cũng đâu có gì lạ. Mà phố của tôi nằm trong mênh mông đất đỏ cao nguyên. Phố của tôi thênh thênh giữa bạt ngàn mây xanh núi thẳm. Phố của tôi lọt thỏm trong những ngoằn ngoèo của đèo dốc. Thế nên, nhân loại gọi cái nơi tôi ở là Phố núi. Cũng thi vị lắm chứ nhỉ.
Đã bao lần tôi đi xa, dù biết chỉ là tạm xa để giải quyết những công việc riêng tư của cuộc sống, vậy mà cũng bấy nhiêu lần tôi mong ngóng những cuộc trở về.
Tôi thấy tôi qua đứa bé con dí cái mũi uệch uệch lên cửa kính xe, nhìn những tia nắng lấp lóa trên rặng cây, thi thoảng là những cái trụ trăng trắng có ghi số và chữ màu đỏ nằm rải rác hai bên lề đường, rất nhiều những chuyến xe vụt qua đến giật cả mình..v..v, cứ nhìn ngơ ngác mà không hiểu sao những cây thông, những mái nhà chìm trong rừng cứ chạy tuột về phía sau, rất nhanh, để rồi chuyến đi về, lại uệch uệch cái mũi nhìn những thứ ấy chạy tuột đi theo một thứ tự ngược lại.
Còn bạn? Chắc hẳn bạn cũng ở trong một ngôi nhà, nhà của bạn hẳn cũng nằm trong phố. Mà phố của bạn có thể nằm yên bình bên dải cát vàng ngày đêm miên man sóng vỗ. Và tôi biết, nhân loại gọi nơi bạn ở là Phố biển. Bạn đã bước đi chập chững trên bờ cát bao la đó, đã nhảy cùng những con sóng tung bọt trắng xóa, đã cười với những ngọn gió mênh mang và chắc hẳn bạn cũng đã “nghiện” những ráng đỏ mặt trời mỗi khi bình minh lên hay mỗi hoàng hôn xuống trên mặt biển lóng lánh dát bạc.
Lại còn bạn? Dĩ nhiên bạn cũng ở trong một ngôi nhà, nhà của bạn, dĩ nhiên cũng nằm trong phố. Mà phố của bạn có thể nằm trong một đô hội sầm uất, ồn ào, náo nhiệt. Và chúng ta đều biết rõ, nhân loại gọi nơi đô hội là Phố thị. Có khi nào bạn rời khỏi nơi đó để đến với rừng vàng của tôi hay biển bạc của bạn kia chưa? Nếu có, thì những lần ấy chắc cũng giúp bạn thư thái tâm hồn được ít nhiều. Nhưng tôi chắc rằng, trước sau gì, “tâm hồn” của “nơi đất ở” cũng sẽ cuốn bạn về lại phố thị, nơi mà sự năng động hồn nhiên đã làm bạn nghiện đến nhớ nhung, không thể không về.
Có những thói quen mà chúng ta nghĩ sẽ không bao giờ từ bỏ được. Tỷ như thói quen “nghiện” nồi cá kho mẹ nấu trong những ngày đầy gió. Tỷ như thói quen “nghiện” tô canh cải chua mẹ “phăng ta đi” giữa những bữa trưa hè oi nồng. “Nghiện” luôn cái lũ bạn tinh ranh mà ngày nào chúng cũng rủ ta nghiện theo đủ thứ trò nghịch ngợm của chúng. “Nghiện” những tháng ngày mới lớn, mình “sến” mà không biết mình sến. “Nghiện” cả ánh mắt ai thầm lặng, bàn tay ai ân cần ấm áp, và bước chân ai đưa đón không muốn rời. “Nghiện” cả những đêm đen thức trắng nhớ thương ai đó, đến mệt rã rời mà vẫn không sao chợp mắt được…
Vậy đó, chúng ta càng lớn càng nghiện thêm nhiều thứ. Có thứ, ta nghiện một cách hiển nhiên và đáng được khích lệ, như nghiện “nơi đất ở”, nghiện đôi mắt nghiêm khắc nhưng đầy tình thương yêu chở che của cha mẹ, thầy cô. Có thứ, ta nghiện một cách vô thức mà không sao từ bỏ được, như nghiện tư duy, như tôi nghiện viết, như bạn nghiện đọc, như chúng ta nghiện một bóng hình ai đó mà định mệnh đã đưa đến trước mặt ta… Mà bạn ơi, đã bảo rằng “nghiện”, nghĩa là rất khó bỏ. Chỉ có sự khôn ngoan giúp ta điều khiển chúng lại. Đâu là cơn nghiện nghìn đời phải nhớ, đâu là cơn nghiện có thể song hành cùng ta, làm động lực nâng đỡ ta qua đêm đen, dìu dắt ta trong ngày dài; đâu là cơn nghiện mà ta phải buộc mình giảm cường độ nghiện. Và chỉ bằng cách nghiện thêm nhiều thứ “nên nghiện” thì bạn mới khỏa lấp được những thứ “không nên nghiện”. Khổ nỗi, những thứ “nên nghiện” buộc ta phải dùng đến lý trí nhiều quá, khiến ta ngán ngẫm mà thả rơi bản thân mình.
Thôi thì hãy lồng ghép như thế này nhé. Ta tập cách nghiện học, nghiện công việc để có thể tự hào với “nơi đất ở”, với cha mẹ về một viễn cảnh tiến bộ của quê hương, mà trong đó có sự đóng góp của ta. Ta tập cách nghiện bếp núc với mẹ, để được thỏa thuê ngắm nhìn ánh mắt trìu mến của cha mẹ, những ánh mắt mà không ai trên thế gian này có thể thay thế được. Ta tập cách nghiện những chuyến xe bụi bặm, đi về những mái ấm tình thương, mà ở đó lòng ta sẽ được trải rộng với những thân phận đời thường. Hay đơn giản hơn, ta tập cách nghiện với sự nghiêm khắc của bản thân, để mỗi sớm mai thức dậy, đã thấy mình mạnh mẽ và tiến bộ hơn chính mình ngày hôm qua, đủ sức sẵn sàng trước những đòi hỏi của cuộc sống.
Để trong mỗi chuyến đi, về, ta sẽ mỉm cười cho những cái ngoái đầu tiếc nuối hoảng hốt của đứa bé con ngày xưa, thấy ta đã trưởng thành, dù can cớ gì không giải thích được, cứ thấy lòng man mác trong mỗi chuyến đi, về. Bởi, bạn ơi. Đời là những chuyến đi, như những dòng sông, mà những dòng sông thì không bao giờ ngừng chảy.